Khách đi trên quốc lộ 1A, qua đoạn thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa thường gặp cảnh hàng trăm khối đá thiên hình vạn trạng xếp hàng bên đường. Có đá cảnh phục vụ cho thú chơi non bộ của người thành phố, và cũng có những khối đá nằm chờ chuyến du hành trên biển dài nửa vòng Trái đất, đến tận nước Mỹ xa xôi. Ở thị xã Bỉm Sơn lâu nay đã hình thành nên nghề săn đá cảnh.

Câu chuyện vào nghề

Chọn quán có nhiều đá nhất trong số 15 quán bán đá cảnh trên đoạn đường, chúng tôi sà vào chuyện trò với bà chủ quán. Chị là Lê Thị Hồng, người đã tám năm bán đá cảnh và được coi là “có thâm niên cao nhất” ở đây. Khi câu chuyện đã trở nên mặn mà, chị Hồng kể về ngày vợ chồng chị quyết định kinh doanh đá cảnh. Hồi tám năm trước, quán nước nhỏ nhà chị còn nằm trên đoạn đường cũ (đường 1A cũ) bên kia đường tàu.

Trong một lần làm vườn, anh Dũng, chồng chị, bắt gặp những khối đá mang hình thù quái dị. Thấy lạ, anh đem về xếp trong vườn hoa nhỏ trước nhà. Khi chuyến xe chở đoàn khách du lịch người Mỹ dừng nghỉ trước quán chị, các vị khách nhìn thấy những khối đá trong vườn và hỏi mua với giá 70.000 đồng/viên. Bất ngờ trước món lợi nhuận ngoài tính toán này, những ngày sau, hai vợ chồng chị đào xới hết vườn nhà mình đến vườn hàng xóm.

Từ đó, khu vườn trước nhà chị được dọn sạch, nhường chỗ cho đá xếp hàng và khách vào mua đá cảnh cũng nhiều hơn. Lúc này, hàng xóm mới vỡ lẽ liền kéo nhau đi khắp nơi trong vùng đào đá. Rồi dãy núi đá vôi đồ sộ ngăn giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa cũng kín dấu chân người đi săn đá cảnh. Kín cả một đoạn đường là đá cảnh! Thời gian đầu ở đây toàn bán đá đen, loại đá cứng, chủ yếu đào dưới đất và khách hàng chủ yếu là người Hà Nội hoặc du khách Mỹ.

Có vài lần khách Hàn Quốc vào tìm mua với số lượng lớn nhưng họ lắc đầu đi ra. Qua người phiên dịch, anh Dũng được biết khách Hàn Quốc không ưa dùng đá đen, họ chỉ tìm đá có nhũ lấp lánh, khối lớn. Nắm bắt được nhu cầu đó, anh đề nghị người phiên dịch một tháng sau đưa khách quay lại sẽ có đủ số lượng giao theo yêu cầu. Sau đó anh Dũng sắm dụng cụ gồm cưa, thừng và thêm bốn người làm đi đến các hang núi đá vôi lùng đá nhũ đem về. Đúng lời hẹn, một tháng sau, vị khách người Hàn Quốc quay lại nhìn đống đá to gật đầu đặt vào tay anh Dũng 30 triệu đồng, nói: “Anh đi lấy thêm cho đủ, đây là cái giá của một container…”. Phải hơn một tháng sau anh mới săn đủ một container cho vị khách Hàn Quốc chuyển về nước.



Từ đó đến nay, vợ chồng chị chuyển luôn sang nghề săn lùng và bán đá cảnh. Khi cả làng vào cuộc, những vùng núi đá ở gần bị khai thác trơ trọi nên họ tiến dần lên miền ngược. Hôm chúng tôi đến, anh Dũng đang nằm trên đất Cẩm Thủy đã gần một tuần. Chị Hồng cho biết, anh chị đang đặt tiền cho người dân tộc ở các huyện Cẩm Thủy, Long Chánh, Quan Hóa... để họ đi tìm đá. Phát hiện nơi nào có đá, họ sẽ gọi anh Dũng lên xem và tiến hành cắt, khoảng một tháng sẽ đầy một xe công nông rồi thuê xe vận chuyển về.

Theo lời chị Hồng, mức lời lãi của mặt hàng này không tính trước được, mà phụ thuộc vào khách là chính. Những người đã bỏ tiền ra mua đá về chơi hẳn phải thuộc giới có tiền, phải bỏ thêm một chút cho khối đá họ ưng ý chỉ là “chuyện nhỏ”. Bán cho những người làm nghề tạo hình non bộ được lời ít vì họ trả rất sát giá. Nói rồi chị chỉ cho chúng tôi khối đá to trước cửa quán: “Khối đó nhập cho khách Hàn Quốc 14 triệu đồng đấy, thế mà mấy ông thợ làm non bộ chỉ trả có sáu triệu. Loại này khó kiếm lắm, các khối khác toàn do ghép lại thôi, không được nguyên hòn như thế”.

Chị cho biết thêm, tháng trước, một Việt kiều Mỹ mới đóng một container đá đen đưa sang Mỹ. Vị này còn hẹn qua Tết quay lại lấy thêm một container nữa và đã đặt trước cho chị 1.000 USD. Chúng tôi dò hỏi số tiền chị bỏ ra để có một container đá đó, chị cười: “Lời gấp đôi đấy!”.

Hai vợ chồng chị Hồng trước kia chỉ sống dựa vào quán nước nhỏ nên nghèo lắm, nay nhìn căn nhà hai tầng khang trang kia thì rõ ràng nghề buôn đá cảnh đã đem lại không ít lợi nhuận. Tuy nhiên, bên cạnh những món tiền đó, gia đình chị phải trả không ít công sức và máu. Anh Dũng hiện nay chằng chịt sẹo trên mình - kết quả của những lần đi săn trên những vách đá cheo leo. Lần anh bị nặng nhất là chuyến leo trên vách núi đá vôi ở Cẩm Thủy. Chiếc hang nhỏ nằm chơi vơi lưng chừng núi hứa hẹn nhiều nhũ đá đẹp thách thức anh leo lên, nhưng leo chưa được bao nhiêu thì trượt chân rơi xuống. Ngất đi một lúc, người đau ê ẩm, anh phải nằm nhà mất nửa tháng trời. Không chịu thất bại, ra khỏi giường một tuần sau, anh lại leo lên chiếc hang ấy và cắt được một khối đá trị giá 12 triệu đồng.

Cắt và vận chuyển đá không đơn giản, phải khoan xung quanh chân khối đá những lỗ khoan nhỏ, sau đó tác động vào đó để tạo thành vết dễ bẻ gãy. Trước đó, khối nhũ đá phải được chằng thật chặt bằng hàng chục đoạn dây thừng, tránh trường hợp rơi xuống là sứt mẻ đám nhũ, cạnh đẹp. Khi vận chuyển, toàn bộ khối đá được quấn vải, bì gai hoặc cao su cũng nhằm tránh va đập làm tổn thương tới vẻ đẹp của nó. Có lần, anh Dũng chuyển được khối nhũ đá to xuống chân núi thì sự cố xảy ra, làm vỡ tan khối đá. Không còn cách nào khác, anh đành ngậm ngùi nhặt những mảnh vỡ về gắn lại tạo thành những khối đá nhỏ để bán lẻ.



Sự giả tạo của con người và tiếng khóc cười của thiên nhiên

Chị Lê Thị Hồng từ chối khi chúng tôi đề nghị chụp ảnh chị cùng hòn đá cảnh vì “sợ chính quyền đến bắt phạt”. Những năm gần đây, cư dân ăn nên làm ra từ việc buôn bán đá cảnh nên chính quyền thị xã bắt đầu để ý đến họ vì tội phá hoại cảnh quan thiên nhiên, mỗi hộ có thể bị phạt mỗi lần một triệu đồng. Các hộ nộp phạt nhưng họ vẫn thắc mắc vì họ khai thác đá không thuộc khu vực cấm, cũng không thấy điều luật nào cấm khai thác đá kiểu này. Lần sau chính quyền đến thu tiền thì vấp phải sự phản đối của các hộ dân. Ngẫm cho cùng, việc “phạt” của chính quyền sở tại chưa hẳn là đúng nhưng cũng cần phải làm. Để có được một khối đá cao một mét thì thiên nhiên phải kiến tạo hàng trăm năm, trong khi con người chỉ cần vài phút là cắt cụt nó!

Có một anh Việt kiều sống tại Canada hơn mười năm. Quê anh ở xã Xuân Khang huyện Như Xuân, Thanh Hóa, nơi có chiếc hang Ngọc nổi tiếng với chiếc hồ nhỏ ngay trong lòng hang và hàng trăm khối nhũ đá óng ánh. Có lẽ ánh sáng óng ánh của nhũ đá này tỏa ra mà người ta đặt tên là hang Ngọc. Có khối đá đường kính tới 80cm và cao gần hai mét, nơi chóp của khối nhũ đá này luôn có những giọt nước trong vắt nhỏ xuống. Có những khối ụ lên đều nhau như ngực người mẹ mới sinh con, từ hai chỗ ụ lên đấy những giọt nước trong vắt chảy xuống mà người dân gọi là sữa mẹ. Có khối mang hình một cô gái đang khỏa thân bước xuống hồ tắm…

Ngày nhỏ, anh hay đốt đuốc vào hang chơi, ngắm nhìn những nhũ đá dưới ánh lửa và thưởng thức những giọt nước mát lạnh từ bầu sữa đá. Người dân tộc trong vùng còn mất hàng tháng trời đem thùng ra hứng những giọt nước này về cho vào chum rượu cần những ngày lễ tết. Lớn lên, anh sang Canada sinh sống, hơn mười năm sau mới về quê và không quên ghé thăm chiếc hang Ngọc gắn với những kỷ niệm tuổi thơ của mình.

Lần này đồ nghề anh mang theo lỉnh kỉnh đủ loại máy quay phim, máy ảnh. Anh chỉ muốn chụp được những cảnh đẹp do thiên nhiên kiến tạo qua hàng trăm năm để sang khoe với bạn bè. Nhưng hỡi ôi, những kỷ niệm của anh chỉ là những mỏm đá gãy nát, tất cả đã bị bàn tay con người tàn phá. Anh thú nhận là mình đã khóc, buồn cho chuyến trở về của mình ít, mà tiếc cho thiên nhiên thì nhiều.

Sau này, khi Sở Du lịch Thanh Hóa xây dựng đề án du lịch cho Vườn quốc gia Bến En đã đưa hang Ngọc vào đề án. Khi đề án này được duyệt có nghĩa là tất cả phải được bảo vệ, giữ gìn. Tiếc thay, mọi việc đã quá muộn. Hang Ngọc vẫn nằm trong tour du lịch Bến En, nhưng có lẽ người hướng dẫn du lịch khi đến đây phải bắt đầu từ câu “ngày trước ở đây là những khối đá rất đẹp...”. Có thể khối đá đó đang nằm trong bể cảnh của một gia đình nào đấy. Còn trong hang núi là hàng trăm tiếng thở dài tiếc nuối của du khách...

Nguồn: tuoitre.vn



Với nhiều năm cung cấp và lắp đặt hòn non bộ phong thủy cho khách hàng trong và ngoài thành phố Hồ Chí Minh, công ty Cảnh quan Thiên Sơn sẽ là địa chỉ hàng đầu dành cho bạn để sở hữu và tận hưởng thiết kế hòn non bộ phong thủy mang đầy may mắn này.

Liên hệ: CÔNG TY TNHH SÂN VƯỜN THIÊN SƠN
Hon non bo - Non bo dep - Gia hon non bo
Địa chỉ: 385 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp
Điện thoại: 0907.997759