Theo Bộ Tài chính, lý do các nước trong khu vực cao hơn nước ta chủ yếu là do cơ cấu thuế, phí trong giá xăng dầu cao hơn Việt Nam vì xăng dầu nhập khẩu đều có giá chung của thế giới.

Theo bản Tin thị trường do việc đàm phán ký kết của từng Hiệp định tại các thời điểm khác nhau nên có các mức cam kết cắt giảm thuế suất khác nhau và vào các thời điểm khác nhau tùy theo từng Hiệp định. Theo đó, việc chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định là tất yếu, Bộ Tài chính khẳng định.

Trong 11 Hiệp định song phương, khu vực, có một số Hiệp định, mặt hàng xăng dầu thuộc danh mục “loại trừ” (không có nghĩa vụ cắt giảm). Cụ thể, đó là các FTA ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Australia-New Zealand, ASEAN-Ấn Độ, các FTA giữa Việt Nam với Nhật Bản và Chile.



Mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt năm 2016 đối với mặt hàng xăng dầu. Nguồn: Bộ Tài chính

Như vậy, mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) của mặt hàng xăng dầu hiện đang cao hơn so với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA này.

Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì hàng hoá nhập khẩu từ các nước này phải bảo đảm điều kiện về xuất xứ (C/O), về điều kiện vận chuyển... Thực tế thời gian qua, không phải tất cả hàng hoá đều nhập khẩu từ các nước có ký Hiệp định FTA, và cũng không phải tất cả hàng hoá nhập khẩu từ các nước có ký FTA đều được hưởng theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Theo quy định, đối với hàng hoá nhập khẩu theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nhưng chưa nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm khai hải quan, người khai hải quan khai theo mức thuế suất MFN hoặc thông thường, khi nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, người khai hải quan khai bổ sung theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt tương ứng, được hoàn trả số tiền thuế chênh lệch đã nộp.

Trong năm 2015, số thuế (thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế TTĐB) đã thu từ xăng dầu nhập khẩu là 35.923 tỷ đồng, nhưng thực tế số thuế hoàn theo chứng từ doanh nghiệp nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ là 3.502 tỷ đồng, chiếm 9,75% tổng số thuế đã nộp.

Nhằm giảm bớt chênh lệch giữa mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ các FTA của mặt hàng xăng dầu, ngày 17/3 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2016/TT-BTC ngày 17/3/2016, với hiệu lực thi hành từ ngày 18/3/2016 (ngày công bố) quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng dầu.

“Việc quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng dầu tại Thông tư số 48/2016/TT-BTC nêu trên, về cơ bản đã đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước” Thông cáo báo chí của Bộ Tài chính khẳng định.

Xem thêm Tiêu điểm thị trường 2016