Cùng với sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi nước ta như hiện nay, giá trị kinh tế mà nó mang lại không có gì chối cãi đi kèm cùng đó là tình trạng ô nhiễm môi trường đang từng ngày ảnh hưởng tác động đến cuộc sống của con người.


Ảnh minh họa



Theo số liệu của cục chăn nuôi (Bộ NN & PTNT), ngành chăn nuôi thải ra 85-90% triệu tấn phân trung bình mỗi năm. Nhưng chỉ có khoảng 40% trong số đó là được xử lý, còn lại thì thải trực tiếp ra môi trường. Cả nước hiện đang có 8,5 triệu hộ chăn nuôi, nhưng chỉ có 10% chuồng trại chăn nuôi là hợp vệ sinh, 0,6% số hộ có cam kết bảo vệ môi trường.

Chất thải chăn nuôi là tác nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Trong khi đó, đa phần người dân ở nông thôn sử dụng mạch nước ngầm là nguồn nước chủ yếu trong sinh hoạt: ăn, uống, tắm gội, giặt giũ… Khi không có các biện pháp xử lý chất thải sẽ dẫn tới nhiều căn bệnh nguy hiểm liên quan tới hô hấp, tiêu hóa…có thể lấy đi tính mạng của nhiều người. Dù biết tác hại nguy hiểm của ô nhiễm do chất thải chăn nuôi nhưng nhiều chủ trang trại vẫn không xây dựng hệ thống xử lý bởi chi phí quá đắt đỏ.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, sự phối hợp từ người dân và chính quyền địa phương là hết sức cần thiết. Bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà nước, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân về ô nhiễm môi trường, các biện pháp xử lý nước thải; vận động, khuyến khích người dân xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi với sự hỗ trợ từ nhà nước, sử dụng chế phẩm sinh học EM để hạn chế mức độ ô nhiễm của chất thải; thường xuyên tổ chức phun sát trùng bằng OZON, nước vôi trong,…trong khu vực trang trại chăn nuôi; Tăng cường công tác thanh tra , giám sát để đảm bảo các trang trại có đầy đủ biện pháp xử lý chất thải; khẩn trương quy hoạch vùng chăn nuôi, giảm bớt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.