Equalizer hay thường được gọi tắt EQ là một thiết bị rất quan trọng dùng để lọc tần số âm thanh trong quá trình sản xuất âm nhạc, chương trình biểu diễn diễn sân khấu, trong các cuộc họp, hội nghị ngày nay… Mỗi người chúng ta hẳn đã từng dùng EQ ở một góc độ nào đó. Đơn giản nhất là thiết bị nghe nhạc mp3 hay các phần mềm nghe nhạc hiện nay đều tích hợp tính năng cắt lọc tần số. Nhưng để hiểu sâu về nó và cân chỉnh cho phù hợp với từng bài hát, từng chất giọng của mỗi người thì không hề đơn giản chút nào.
Trong bài viết này, tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu sâu về nguyên lý hoạt động của bộ xử lý Equalizer, cũng như một số ứng dụng và thuật ngữ nói về nó.
Equalizer (EQ) là một thiết bị được thiết kế nhằm làm thay đổi chất âm khi âm thanh đi qua nó, hay còn được hiểu là thiết bị cân bằng tín hiệu âm thanh. EQ sử dụng nhiều bộ lọc điện tử mà mỗi cần làm việc theo nguyên lý tăng hoặc giảm tín hiệu của từng dải tần. Trên thị trường âm thanh tại Việt Nam có rất nhiều loại EQ của nhiều thương hiệu khác nhau và mỗi loại lại có những nút điều khiển khác nhau làm chúng ta khó phân biệt. Khi làm việc với EQ chúng ta sẽ gặp các thuật ngữ như "Boost" và "Cut"... "Boost" nghĩa là tăng lên hay "Cut" nghĩa là cắt giảm đi.
High & Low-pass filter
Tính năng thường rất hay dùng nhất của EQ là High-pass và Low-pass filter. High-pass filter là lọc bỏ qua phần cao (đôi khi còn gọi là Low-cut filter - lọc cắt đi phần trầm) có nghĩa là bất cứ tín hiệu ở dưới dải tần chỉ định sẽ được giảm đi, trong khi đó những dải tần cao hơn sẽ được giữ nguyên.
Low-pass filter là lọc bỏ qua phần trầm (đôi khi còn gọi là High-cut filter - lọc cắt đi phần cao) giảm tín hiệu của các dải tần cao hơn điểm muốn cắt đi (gọi là điểm cut-off).
High và Low pass filter thường cắt từ từ và trong khoảng -6 dB trên một octave (quãng tám), -12 dB trên octave hay thậm chí -18 dB trên một octave.
Lưu ý, ta nên sử dụng tính năng này khi muốn cắt đi phần trầm hoặc cắt đi phần cao. Ví dụ, khi ta đưa một bản nhạc mix ra nghe ở âm thanh biểu diễn có thể sẽ gặp phải những tiếng ù ở loa sub bởi những tần số quá trầm xuất hiện trong bản nhạc của chúng ta. Khi ấy ta sẽ sử dụng High-pass filter để lọc đi phần trầm từ 40hz trở xuống chẳng hạn. Hoặc trong khi thu âm, chúng ta cũng có thể dùng High-pass filter để cắt đi phần trầm, hoặc dùng Low-pass filter để cắt đi tần số cao khi thu âm tiếng guitar bass, như vậy sẽ làm cho bản mix cuối cùng sạch sẽ và hoàn hảo hơn.
Shelving filter
Shelving filter(lọc đa tần) là chức năng dùng để chỉnh đồng thời hàng loạt các tần số xung quanh tần số đã chỉ định. Dạng lọc này ngoài nút chỉnh tần số còn một nút để chỉnh tăng hay giảm. Ta dùng High-pass hay Low-pass để cắt đi các tần số dư hơn là tăng. Còn ta dùng Shelving filter khi ta muốn tăng nhiều giải tần cùng lúc.
Để làm được điều này ta chỉ định một giải tần nào đó (chẳng hạn 500Hz) sau đó chọn kiểu lọc là Shelving low hoặc Shelving high và tăng nó lên. Các tần số từ 500Hz trở xuống sẽ tăng lên đồng loạt nếu ta chọn Shelving low, và ngược lại các tần số trên 500Hz cũng sẽ dần được tăng lên nếu ta chọn Shelving high. Các dải tần dạng shelving sẽ được tăng một cách từ từ và mềm mại chứ không đột ngột như dạng high và Low-pass filter.
Peaking filter
Mặc dù chức năng Shelving filter hữu ích khi ta điều chỉnh tổng thể âm sắc của hàng loạt dải tần âm thanh, nhưng để tăng giảm cụ thể một tần số nào đó thì ta dùng Peak filter. Chức năng này cũng có 2 nút, một để chọn một tần số trung tâm nào đó, và nút kia để chỉnh tăng giảm tín hiệu.
Ta thường dùng Peak filter khi cần xử lý chính xác tần số cụ thể không mong muốn như tiếng ồn, tiếng huýt, tiếng vo ve…
Band pass filter và Notch filter
Ngoài các dạng lọc trên, ta còn thấy một số dạng có thêm tính năng như Band pass filter và Notch filter.
Band pass filters thường dùng để tăng (boost) các tần số. Nguyên lý làm việc cũng tương tự như Peak filter dùng để lọc riêng ra tần số nào đó để tăng.
Notch filter cũng tương tự như Band pass filter nhưng thường dùng để cắt hoặc giảm tần số.
Một số dạng mixer kết hợp các bộ lọc:
Bây giờ ta đã hiểu rõ các chức năng quan trọng của bộ xử lý EQ một cách cơ bản. Trên thực tế có nhiều dạng EQ mà ta sẽ dễ dạng bị nhầm lẫn. Dạng Shelving filter thường phổ thông hơn, nó chỉ có một nút vặn tần số cố định (fixed-frequency) ta thường thấy ở các amply Hi-Fi gia dụng. Chẳng hạn nút chỉnh treble chỉ đơn thuần chỉnh High shelving filter, và nút chỉnh bass là Low shelving filter. Dạng lọc này đơn giản và dễ dùng với người mới bắt đầu và ta cũng thường gặp nó ở các bàn mixer nhỏ chỉ có 2 băng tần là 80Hz và 12kHz. Ở những mixer cao cấp hơn sẽ có nhiều băng hơn và có thêm nút chỉnh tần số cụ thể. Trong phần lớn các mixer dạng trung bình ta thường thấy ở tần số trung có hai nút vặn, một nút chỉnh tần số và một nút tăng hay giảm tín hiệu của tần số ấy, đây là dạng Peak filter.
Khi sử dụng EQ là phần mềm trên máy tính ta sẽ có nhiều lựa chọn hơn, các dải tần và các dạng lọc cũng đầy đủ để ta chọn. Còn ở ngoài thì điều này chỉ có thể tìm thấy ở những mixer phòng thu cao cấp mà thôi.
Các loại EQ thường gặp :
Cố định tần số (Fixed Frequency): Đây là loại Equalizer chỉ có một hay hai tần số cố định như đã nói ở trên trong các mixer loại thấp cấp. Nó chỉ cho ta tăng hay giảm một tần số cụ thể.
Graphic Equalizer: Đây là dạng equalizer nhiều tần số cố định. Mỗi tần số ứng với một càn gạt để ta điểu chỉnh tăng hay giảm từng tần số riêng rẽ. Graphic equalizer thường là dạng Peaking filter.
tai nghe thu âm
Paragraphic Equalizer: Đây là dạng đặc biệt của Graphic equalizer cho phép ta điều chỉnh tần số trung tâm trong mỗi băng tần. Một vài loại còn có thêm thông số Q hay băng thông của mỗi bộ lọc.
Parametric Equalizer: Đây là dạng EQ có tần số trung tâm có thể biến đổi được trong phạm vi dải tần cho trước. Thông số Q vẫn có thể chỉnh được.
Chúc các bạn thành công trong qua trình cân chỉnh âm thanh thông qua bộ lọc tần số Equalizer!