Bậc cha mẹ nào cũng lo lắng về thai nhi và mong muốn con mình chào đời khỏe mạnh. Tuy nhiên, bất cứ thai nhi nào cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc dị tật ở những mức độ khác nhau. Siêu âm dị tật thai nhi là phương pháp hiệu quả và đơn giản giúp phát hiện các khiếm khuyết từ rất sớm, bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.
1. Tìm hiểu về dị tật thai nhi
Dị tật thai nhi là những khiếm khuyết bất thường của thai nhi xuất hiện ngay từ trong bào thai, đó có thể là các bất thường về nhiễm sắc thể, hình thái ở một hay nhiều cơ quan.
Các dị tật bẩm sinh thường gặp nhất ở thai nhi là: sứt môi, hở hàm ếch; tật nứt đốt sống, khuyết tật tim bẩm sinh, hội chứng Down, dị tật tứ chi và bộ phận sinh dục, rối loạn giới tính, chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn.
Theo thống kê của ngành Y tế, tỷ lệ dị tật thai nhi tại Việt Nam hiện nay khoảng 3%, tức là cứ 33 trẻ mới sinh ra thì có 1 trẻ mắc dị tật. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới dị tật thai nhi như:
  • Thai phụ trên 35 tuổi, mẹ càng lớn tuổi thì nguy cơ bị dị tật thai nhi càng cao
  • Thai phụ từng sảy thai nhiều lần hoặc có tiền sử mang thai dị tật.
  • Tiền sử gia đình có người bị dị tật bẩm sinh hoặc các rối loạn di truyền khác
  • Thai phụ bị thái tháo đường, Lupus ban đỏ hoặc nhiễm virus trong 3 tháng đầu thai kỳ mà chưa được tiêm phòng (Herpes, Rubella, Cytomegalo…)
  • Thai phụ tiếp xúc với chất phóng xạ, hoá chất độc hại (thuốc trừ sâu, thuốc lá, rượu…)
  • Mẹ tự uống thuốc khi mang thai mà không có sự chỉ định của bác sĩ

2. Vai trò của siêu âm dị tật thai nhi
Việc thăm khám lâm sàng để phát hiện các dị tật thai nhi gần như là không thể, do đó siêu âm dị tật thai nhi là cách tốt nhất để chẩn đoán, theo dõi sức khoẻ của thai kỳ. Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện với chi phí hợp lý, phù hợp với mọi đối tượng thai phụ. Siêu âm thai với các điều kiện lý tưởng có thể chẩn đoán chính xác từ 85 - 90% các trường hợp dị tật thai nhi.
Độ chính xác của kết quả chẩn đoán bằng phương pháp siêu âm phụ thuộc rất lớn vào các thiết bị máy móc, trình độ chuyên môn và khả năng phân tích của bác sĩ siêu âm. Vì vậy, mẹ bầu nên lựa chọn các cơ sở chuyên khoa đáng tin cậy để theo dõi sức khoẻ trong suốt quá trình mang thai.

3. Ba thời điểm “vàng” cần siêu âm dị tật thai nhi
Trong 3 tháng đầu tiên, từ tuần 11 – 14 của thai kỳ
Siêu âm dị tật thai nhi trong thời điểm này sẽ cung cấp những thông tin cực kỳ quan trọng: Tính tuổi thai chính xác, xác định vị trí nằm của thai nhi, số lượng thai.
Đặc biệt, đây là thời điểm vàng để đo khoảng sáng sau gáy nhằm dự đoán những bất thường của nhiễm sắc thể gây ra những bệnh nguy hiểm: hội chứng down, dị dạng tim và lồng ngực, thoát vị cơ hoành, các dị tật ở xương, chân tay…
Siêu âm dị tật thai nhi từ tuần 18 – 23
Đây là mốc thời gian quan trọng để phát hiện phần lớn các bất thường về mặt hình thái của thai nhi, khẳng định lại những bất thường trước đó nghi ngờ và đưa ra quyết định đình chỉ thai nghén nếu có (trước tuần 28).
Ở thời điểm này, cơ thể thai nhi đã phát triển đầy đủ các bộ phận. Bác sĩ siêu âm sẽ đưa ra đánh giá tổng quan về hình thái thai nhi, xem xét các bất thường về thần kinh, bất thường về hàm mặt, bất thường ở vùng bụng, lồng ngực, tiết niệu và thận…
3 tháng cuối của thai kỳ, từ tuần 30 – 32
Ở tuần 30-32, thai nhi phát triển rất nhanh và tương đối đầy đủ về cấu trúc cơ thể. Siêu âm thai thời điểm này sẽ giúp bác sĩ theo đánh giá sự phát triển của thai nhi, vị trí thai, lượng nước ối, dây rốn…
So với 3 tháng giữa, siêu âm dị tật thai nhi ở giai đoạn cuối này có thể phát hiện thêm hoặc quan sát rõ hơn một số bất thường như: suy dinh dưỡng bào thai, bất thường ở van tim (hẹp hở van tim, u tim, bất thường về động mạch chủ), bất thường ở hệ sinh dục (u nang buồng trứng, vị trí và sự di chuyển của tinh hoàn…)

Hy vọng bài viết trên đã giúp các mẹ bầu và gia đình hiểu rõ tầm quan trọng của siêu âm dị tật thai nhi và có thêm những kiến thức bổ ích. Để đặt lịch khám và nhận những chương trình ưu đãi hấp dẫn về Thai sản trọn gói của bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn, quý khách vui lòng liên hệ Tổng đài 1900 599 858 hoặc Hotline 091 585 0770.