Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, hầu hết các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm đều tạm dừng. Nhưng điều này lại thôi thúc giới hoạt động văn hóa, văn nghệ nhanh chóng có những chuyển động mới, bước lên không gian mạng, tạo nên sân khấu, sân chơi không biên giới, góp phần đồng hành, cổ vũ người dân đẩy lùi dịch bệnh.

Phục vụ công chúng qua mạng

Giống các không gian nghệ thuật khác, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tạm dừng phục vụ công chúng thưởng lãm để phòng, chống dịch Covid-19. Trong hơn một tuần qua, công chúng đều đặn được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa đăng tải trên website và trang Facebook của bảo tàng. Trong đó, gây ấn tượng là bức tranh lụa “Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Thạch” do họa sĩ Trần Đông Lương sáng tác năm 1958 và tác phẩm “Đọc báo cho thương binh” của họa sĩ Trần Hữu Tê sáng tác năm 1975...

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, bảo tàng đã chuyển hướng hoạt động trên mạng để giới thiệu những tác phẩm giá trị đến công chúng. Loạt tác phẩm vừa qua hướng đến tri ân lực lượng y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, đồng thời cổ vũ tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân để đẩy lùi dịch Covid-19. Tag: thi công karaoke

Trong lĩnh vực biểu diễn, dự án “24h Music Marathon” - chương trình biểu diễn toàn cầu trực tuyến, do nhóm nghệ sĩ Trang Trịnh, Phan Đỗ Phúc, Vũ Phương khởi xướng, mang thông điệp “Hãy ở nhà, tôi sẽ đàn cho bạn nghe”, nhận được sự hưởng ứng của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước, như Lưu Đức Anh, Yukino Kano (piano); Lê Thư Hương, Clara Giner Franco (sáo); Nguyễn Thiện Minh, Joeng Min (violon); Nguyễn Minh Trang (harmonica); Fontane Liang (harp)… Nghệ sĩ piano Trang Trịnh chia sẻ: “Dù bỡ ngỡ khi biểu diễn tại nhà, nhưng đây là trải nghiệm nghệ thuật tuyệt vời, dường như không có biên giới”.

Tương tự, chương trình “Music Home” hay “Radio Live Concert” với sự xuất hiện của các nghệ sĩ nổi tiếng, như Mỹ Linh, Hoàng Thùy Linh, Vũ Cát Tường, AMEE… phần nào thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc chất lượng cao tại nhà của khán giả. Bên cạnh đó, đời sống âm nhạc vẫn sôi nổi, khi nhiều nghệ sĩ đều đặn sáng tác và cho ra mắt những sản phẩm mới trên mạng, nhất là các ca khúc cổ vũ phòng, chống dịch Covid-19, như: “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid” (Minh Beta), “Việt Nam ơi, cùng nhau đồng lòng” (Lã Phong Lâm, Tuấn Hưng), “Việt Nam sẽ chiến thắng” (Nguyễn Hải Phong, Phúc Bồ), “Tiễu trừ corona” (nhóm Xẩm Hà thành), “Những bông hoa nở giữa mùa dịch” (Tô Văn, Việt Tú)…

Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long cùng nhiều đơn vị nghệ thuật khác cũng đã lập kênh trên Youtube, đăng tải những chương trình biểu diễn đặc sắc đã ra mắt thời gian qua để đông đảo khán giả thưởng thức. Không diễn trực tiếp trên sân khấu, Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân cùng ê kíp của mình đã chuyển hướng sản xuất phim và phát hành trên mạng. Mới nhất là phim “Đại Kê chạy đi” về tình thân, tình làng, nghĩa xóm đang được khán giả yêu thích đón xem.

Chuyển dịch theo đời sống


Không chỉ giới hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp chuyển động để phục vụ công chúng trong tình hình mới, các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng thời gian này cũng được duy trì, chuyển dịch với nhiều nét riêng. Đặc biệt, các trang thơ văn trên mạng xã hội sinh hoạt khá sôi động. Tác giả Phan Quang Khuê, quản trị Trang thơ Facebook Sông Đáy cho biết, gần đây các thành viên sinh hoạt trên diễn đàn hăng hái, sôi nổi hơn hẳn thông qua lượt đăng thơ, bình thơ. Đáng chú ý là phần lớn các bài thơ mới đăng tải đều hướng tới chủ đề phòng, chống dịch Covid-19. Tag: thi cong phong karaoke

Gần đây, báo chí, truyền thông cũng dành nhiều dung lượng đăng tải những tác phẩm thơ văn chất lượng, gắn với đời sống. Cũng từ đây, đã có nhiều cuộc gặp gỡ giữa thi ca và âm nhạc, để lại dấu ấn. Đơn cử như bài thơ “Nếu anh không về” của tác giả Vũ Tuấn (tỉnh Phú Thọ) lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, đã có ít nhất 6 nhạc sĩ đồng cảm và phổ nhạc.

Không tổ chức những buổi cùng nhau vẽ ký họa vào dịp cuối tuần, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội phát động người yêu mỹ thuật tham gia thử thách vẽ liên tục trong 14 ngày, với chủ đề “NCOVI” và “Hà Nội xưa qua ảnh” trong thời gian ở nhà. “Lúc này, nghệ thuật là phương thuốc tinh thần đem lại niềm tin, sự lạc quan để chúng ta cùng vượt qua khó khăn”, kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm Ký họa đô thị Hà Nội cho biết. Không dừng lại, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội tiếp tục mời các họa sĩ gửi tranh triển lãm và tổ chức đấu giá tranh trên mạng để ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Về phía người dân, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, đa phần đã chuyển hướng tìm hiểu các phương thức giải trí, sinh hoạt văn hóa tại nhà. Chị Lê Thùy Linh (phố Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Khi ở nhà, sau thời gian làm việc, tôi thường giải trí hoặc tham gia các lớp học đàn, hát trên mạng. Tôi cũng tìm thấy và được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn. Gia đình tôi còn quay video clip tham gia chiến dịch “Ở nhà vẫn vui” của Bộ Y tế”.

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, văn hóa, nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân trong bất kỳ thời điểm nào. Vì vậy, việc các đơn vị, tổ chức, cá nhân chủ động sáng tạo, nắm bắt công nghệ, thực hiện các hoạt động, chương trình hấp dẫn trên không gian mạng để phục vụ công chúng rất đáng khuyến khích. Hy vọng, trong thời gian tới, các đơn vị, cá nhân tiếp tục phát huy, tạo không khí văn hóa, văn nghệ sôi nổi, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, khơi dậy tinh thần lạc quan đẩy lùi dịch bệnh. Tag: bảng hiệu bar

AN NHI(HNM)