Các tỉnh phía Bắc là nơi có nhiều điều kiện, tiềm năng để nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Vì vậy, tiếp tục phát huy lợi thế của vùng là điều kiện cần thiết để góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào miền núi.


Nhiều tiềm năng để nuôi trồng thủy sản

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh phía Bắc (gồm các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc) có địa hình tự nhiên đa dạng, có điều kiện phát triển nhiều loại hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) như: nuôi lồng bè trên hồ chứa, sông suối, nuôi ao, nuôi kết hợp trong ruộng lúa... Đối tượng thủy sản nuôi trồng đa dạng, nhiều tiềm năng phát triển nuôi các loài thủy sản đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Tag: máy thổi khí

Ngoài ra, một số vùng có khả năng phát triển nuôi các đối tượng chủ lực phục vụ xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, hàu, tu hài, ốc hương…. Đây là các loài có thị trường tiêu thụ tốt, đặc biệt là các tỉnh gần Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, những nơi có nhiều nhà hàng và lượng khách du lịch lớn.

Hiện nay, diện tích tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản của vùng còn rất lớn, khoảng 328.252 ha, trong đó 89,4% diện tích nuôi nước ngọt, khoảng 11,6 % diện tích nuôi nước mặn, lợ. Ngoài ra, các tỉnh miền núi phía Bắc còn có hàng trăm nghìn ha diện tích mặt nước hồ chứa, hồ thủy điện, hồ thủy lợi có thể phát triển nuôi cá lồng bè, nuôi cá hồ chứa.

Theo thống kê, ước thực hiện năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc đạt 194.042 ha, trong đó, nuôi ngọt 152.885 ha, nuôi mặn lợ 41.157 ha. Sản lượng thu hoạch đạt 902.769 tấn, trong đó sản lượng nuôi ngọt 625.295 tấn, nuôi mặn, lợ 278.321 tấn.

Phát triển thành vùng nuôi trồng thủy sản hàng hóa tập trung

NTTS tại các tỉnh phía Bắc có vai trò quan trọng đối với kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời là thành tố quan trọng để góp phần xóa đói giảm nghèo, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, đảm bảo an ninh dinh dưỡng, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào miền núi. Để phát triển NTTS tại các tỉnh phía Bắc bền vững, theo Tổng cục Thủy sản, các địa phương cần đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; gắn sản xuất NTTS với bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn sinh học, quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Đối với các tỉnh miền núi, do đặc điểm địa hình đa dạng, diện tích manh mún, cần đa dạng hóa đối tượng nuôi, ưu tiên phát triển các đối tượng thủy đặc sản theo vùng sinh thái, thực hiện phương châm “mỗi vùng một sản phẩm” để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị hàng hóa. Tag: máy thổi khí chất lượng cao

Đối với các địa phương có nhiều diện tích tiềm năng để phát triển NTTS hàng hóa (vùng đồng bằng và trung du, các địa phương có nhiều hồ chứa, sông suối có thể phát triển NTTS) cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để phát triển thành vùng sản xuất NTTS hàng hóa tập trung. Ưu tiên phát triển nuôi cá lồng các loài có giá trị kinh tế trên sông, hồ chứa; nuôi cá nước lạnh, cá rô phi đơn tính.

Những vùng, địa phương có điều kiện thuận lợi cần quan tâm phát triển hệ thống giống thủy sản tại chỗ để chủ động sản xuất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tổng cục Thủy sản đề nghị, để phát triển NTTS bền vững, về quản lý và tổ chức sản xuất, cần tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển NTTS, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong NTTS. Củng cố cơ quan quản lý nuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương, tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật, mở các lớp đào tạo kỹ thuật để hướng dẫn người nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất. Xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ, các chi hội nuôi thuỷ sản để trao đổi thông tin, hỗ trợ sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả, giảm giá thành sản xuất.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đàn cá bố mẹ, chủ động sản xuất giống chất lượng tốt. Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống thuỷ sản, đặc biệt công tác kiểm dịch giống thuỷ sản.

Đặc biệt, cần đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường và phòng ngừa dịch bệnh. Trong đó, xây dựng quy trình quan trắc, tập huấn và triển khai công tác dự báo, cảnh báo môi trường cho người nuôi trồng thủy sản tại vùng nuôi tập trung nhằm hạn chế rủi ro. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác khuyến ngư, xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào ương nuôi giống truyền thống, giống bản địa, giống mới. Đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề nâng cao kiến thức nuôi trồng thủy sản cho người nuôi./. Tag: máy thổi khí ao tôm

Nguồn: dangcongsan.vn/kinh-te/phat-trien-nuoi-trong-thuy-san-tai-cac-tinh-phia-bac-545308.html