Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho thấy, doanh thu không như kỳ vọng. Vậy, nguyên nhân do đâu?
Đọc thêm: http://lapmangviettel.com.vn/internet-viettel.html
6 tháng đầu năm 2019, Viettel đã đạt tổng doanh thu 110.000 tỷ đồng - tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 6 tháng nhưng chưa đạt so với kế hoạch năm đề ra; lợi nhuận là 21.300 tỷ đồng - tăng 10,2%, đạt 54% kế hoạch năm. VNPT có doanh thu 79.830 tỷ đồng - tăng 3,8%, bằng 48% kế hoạch; lợi nhuận 3.560 tỷ đồng - tăng 10%, đạt 50,2% kế hoạch. MobiFone có kết quả doanh thu và lợi nhuận không đạt so với kế hoạch đề ra. Như vậy, Viettel, VNPT tạm gọi có kết quả kinh doanh "đi ngang", còn MobiFone có kết quả "âm".
Với MobiFone, có thể lý giải phần nào từ phía chủ quan là việc xảy ra từ thương vụ mua 95% cổ phần AVG (cơ quan pháp luật đang xử lý) đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng, với Viettel, VNPT doanh thu "đi ngang" là do đâu?
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT phân tích, theo xu hướng hiện nay của các nhà mạng trên thế giới và trong khu vực, doanh thu di động đều giảm - đó là xu hướng bình thường. Với sự phát triển của công nghệ, các dịch vụ xuyên biên giới, OTT (tiện ích miễn phí) được cung cấp miễn phí trên mạng, do vậy nhà mạng chịu sức ép cạnh tranh lớn, liên tục và đương nhiên doanh thu không thể tăng.
Cùng quan điểm này, ông Tào Đức Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nêu rõ, hiện doanh thu viễn thông truyền thống gồm hai nguồn: Thoại và data (dữ liệu). Sự phát triển của các mạng xã hội giúp con người gần nhau hơn, từ đó cũng khiến họ ít nhu cầu sử dụng thoại. Trong khi đó, dù lưu lượng sử dụng data có tăng, song do giá cước rẻ nên chưa bù đắp được tổng doanh thu từ viễn thông truyền thống. Do vậy, doanh thu các tập đoàn lớn không tăng.
Như vậy, việc các dịch vụ viễn thông truyền thống vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp viễn thông nay không còn là "át chủ bài" nữa. Liệu có phải do tác động của các chính sách vĩ mô, trong đó có việc cơ quan quản lý siết chặt quản lý thông tin thuê bao? Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thị trường VinaPhone cho rằng: "Chính sách thắt chặt quản lý không ảnh hưởng đến nhà mạng, mà còn góp phần làm lành mạnh thị trường khi loại bỏ bớt sim "rác" với doanh thu "ảo", nếu quản lý tốt còn góp phần làm tăng doanh thu của nhà mạng".
Muốn duy trì tăng trưởng cao, theo ông Tào Đức Thắng, nhà mạng chỉ còn cách phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Hiện, Viettel đã đề ra nhiệm vụ để triển khai trong thời gian tới. Đó là xây dựng chiến lược chuyển dịch số với các mục tiêu: Hệ sinh thái dịch vụ số, phương án kinh doanh, thiết kế sản phẩm dịch vụ số. Trong đó, sẽ thực hiện thương mại hóa các sản phẩm, ứng dụng đã thử nghiệm thành công như chatbot (công cụ trả lời tự động), các sản phẩm liên quan đến thị trường mục tiêu, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử...
Ông Tô Dũng Thái lại nêu quan điểm, với xu hướng người dùng ngày càng sử dụng nhiều dữ liệu nên VNPT vừa qua đã đưa ra thị trường các gói cước home (gia đình) và internet di dộng. Trong đó, nhà mạng dành sự ưu tiên cho khách hàng dùng nhiều dữ liệu bằng cách tích hợp các dịch vụ truyền hình, internet di động.
Cả 3 doanh nghiệp Viettel, VNPT, MobiFone đều là những doanh nghiệp nhà nước, có doanh thu lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng/năm, lợi nhuận lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng/năm và nộp ngân sách nhà nước ở mức lớn (thuộc tốp 5 doanh nghiệp lớn nhất nước). Do vậy, để tiếp tục duy trì và đạt tăng trưởng thì ngoài việc nhà mạng phát triển các dịch vụ mới (còn gọi là dịch vụ số), rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các bộ, ngành liên quan...