Có ai từng chọn "ngày lành tháng tốt", chọn cổ phiếu theo mệnh chưa? Nhà đầu tư Đinh Thành Trung thì rồi. Và, đã từng có lần, chính tất cả những thứ tưởng chừng như tốt đó đã khiến nhà đầu tư Trung lỗ 30%.



Đã là cuộc sống thì bất cứ thứ gì cũng có mê tín. "Chú cứ mê tín một chút thì có chết ai đâu nào?", đó là "chân lý" mà một đàn anh lâu năm đã nói với tôi. Và đó là một trong những sai lầm ngớ ngẩn nhất trong đời đầu tư của tôi.
Vâng, đây không phải tiểu phẩm hài, không phải phim truyện. Mê tín không trực tiếp làm aithua lỗ, nhưng nó gián tiếp dẫn đến mất tiền, do che mờ mắt nhà đầu tư khiến họ không thể ra những quyết định sáng suốt. Nói cách khác, mê tín như một xiềng xích trói chúng ta lại, khiến chúng ta không thể bình tĩnh suy sét đúng sai, rồi dẫn đến xuống tiền sai chỗ, sai thời điểm.
Quả là kỳ lạ, khi một người vốn không mê tín như tôi lại hình thành thói quen "kình" cổ phiếu. Tức là phải soi xem công ty đó có hợp mệnh không, giám đốc công ty là ai, có hợp tuổi không, thuộc tính âm dương ngũ hành ra sao. Sẵn mớ kiến thức trên mạng từ chiêm tinh, tử vi, tôi áp dụng một cách máy móc vào đầu tư, khiến công việc đầu tư biến thành coi bói.
Lúc đó, do đã "ngấm đòn" khá nhiều, tôi trở nên "nhát tay" trong việc xuống tiền mua cổ phiếu. Suốt thời gian dài tôi không tham gia vào thị trường, không dám mua bất kỳ cổ phiếu nào. Đến khi tìm được cổ phiếu ưng ý và đang trong đà tăng điểm thì tôi lại không dám mua, chỉ chờ đợi để coi diễn biến. Đến lúc chắc chắn rằng đây là một chuyến tàu có thể lãi thì chuyến tàu đã dừng lại.
Lần đầu tiên khi tôi nghĩ đến đầu tư có "yếu tố tâm linh" là lần tôi nghe được chuyện mua cổ phiếu theo mệnh. Ông kia mệnh hỏa mà không cẩn thận mua cổ phiếu thủy điện nên đã lỗ to, còn không kịp chạy hết. Có ông mệnh kim mà lại trúng lớn do mua cổ phiếu bất động sản. Rồi còn coi ngày, tháng nữa. Kiểu gì thì kiểu cũng phải tránh thứ 6 ngày 13, tránh số 4. Đó là những con số "chết" hoặc "xui xẻo". Nếu mua bán mà dính tới mấy con số đó như 14, 24 hoặc 13 thì dù lần đó không đen nhưng cái đen sẽ lưu lại rồi "phát tiết" vào lần sau.
Rồi còn bài tây. Thỉnh thoảng tôi nhờ người coi bói bài tây, nếu ra được lá bài đen đủi thì nhất quyết hôm đó tôi sẽ nghỉ, dù mục tiêu có ngon thế nào. Dù bị bạn bè chế giễu nhưng cũng có người đồng tình, cho rằng "có kiêng có lành", làm tôi thêm tin tưởng vào một chút mê tín khi ra quyết định mua bán. Thậm chí, tôi còn làm những việc phải nói là mê tín đến mức buồn cười. Tôi chỉ ăn khoai tím suốt mấy ngày để cầu cho giá cổ phiếu của tôi đi lên, ăn chè đỗ xanh và chỉ ăn rau xanh trong bữa cơm, tránh sử dụng đồ dùng hay mặc quần áo màu đỏ…

Rồi ngày đó đã tới. Cổ phiếu cơ bản tốt, có sóng, có "phím", có tin tốt. Mọi "điều kiện tâm linh" cũng đều hoàn hảo. Cổ phiếu bất động sản tức là thổ, thổ sinh kim. Ngày tốt, giờ tốt. Số lượng mua cũng tránh những số xui xẻo. Mọi thứ đều hoàn hảo, không có lý do gì để thất bại. Yếu tố tâm linh tốt là thứ thôi thúc tôi mua.
Kết quả là tôi lỗ 30% số tiền mua cổ phiếu đó. Vì lần đó đánh lớn nên số tiền thua lỗ đó ảnh hưởng lớn đến toàn bộ vốn đầu tư của tôi. Sau lần đó, tôi suy nghĩ nhiều nhưng cũng không thể hiểu tại sao mình lại quyết định nghe theo những sự mê tín để rồi lỗ nặng. Bản thân thắng thua của những người khác chỉ là ngẫu nhiên, nhưng tôi đã tin vào nó một cách mù quáng, rồi tốn thời gian nghiên cứu những thứ không cần thiết cho đầu tư chứng khoán. Đúng là "mê tín một chút thì không chết ai", nhưng câu đó cũng có nghĩa là "mê tín cho vui thôi". Còn tôi thì đã quá tin vào mấy chuyện mê tín để rồi dùng mấy thứ đó mua bán, đúng là một lần mất tiền "nhảm nhí" nhất trong những lần thua lỗ của tôi.
Vậy bài học rút ra ở đây là: không bao giờ để những suy nghĩ ngoài lề ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Trên thực tế kinh doanh, có rất nhiều người coi trọng những yếu tố tâm linh như xây nhà theo phong thủy, thờ cùng trong kinh doanh… nhưng bản chất của những việc đó là đem lại niềm tin cho họ, để họ có chỗ dựa về mặt tinh thần, chứ họ không đem những thứ đó vào quyết định trên thương trường. Đó cũng chính là kinh nghiệm tôi đã rút ra.