Những thành tựu của giáo dục – đào tạo ở nước ta trong thời gian qua trên các phương diện: Hệ thống giáo dục – đào tạo; Quy mô giáo dục – đào tạo; Chất lượng giáo dục – đào tạo; Công bằng xã hội trong giáo dục – đào tạo và công tác xã hội hoá giáo dục – đào tạo.
1. Hệ thống giáo dục – đào tạo
Hiện nay, hệ thống giáo dục Việt Nam đang được mở rộng, tương đối hoàn chỉnh, thống nhất và da dạng hoá với việc hình thành đầy đủ các cấp học và trình độ đào tạo từ mầm non đến sau đại học, bao gồm: Giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông; Giáo dục trung học cơ sở; Giáo dục trung học phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp; Giáo dục đại học.
Từ một hệ thông giáo dục chỉ có các trường công lập và chủ yếu là loại hình chính quy, đến nay đã có các trường ngoài công lập, có nhiều loại hình không chính quy, có các trường tư thục, dân lập, có phương thức đào tạo từ xa, phương thức liên kết đào tạo với nước ngoài… Đó là một trong những thành tựu lớn nhất mà nền giáo dục nước ta đã đạt được.

Những thành tựu của giáo dục – đào tạo ở nước ta trong thời gian qua
Tham khảo thêm:
+ Khái niệm giáo dục và giáo dục mần non là gì?
+ Các ưu nhược điểm của các mô hình quản lý giáo dục
2. Quy mô giáo dục – đào tạo
Quy mô giáo dục tăng nhanh ở các vùng, các ngành học và các cấp học. Quy mô phát triển giáo dục trước hết thể hiện ở số lượng người học. Cùng với số lượng người học, quy mô giáo dục còn được đánh giá qua mạng lưới trường học theo địa bàn dân cư, số lượng nhà giáo, trang thiết bị dạy học.
Nhìn chung, số học sinh trong toàn bộ hệ thống giáo dục không ngừng được tăng lên, số học sinh trong các trường ngoài công lập tăng nhanh: Số trẻ em tăng bình quân 7%/năm; mẫu giáo tăng bình quân 5,2%/năm. Riêng ở cấp trung học phổ thông, quy mô học sinh ngoài công lập năm học 2000 – 2001 tăng 2,91 lần so với năm học 1995 – 1996.
3. Chất lượng giáo dục
Chất lượng giáo dục có chuyển biến trên một số mặt. Trình độ hiểu biết, năng lực tiếp cận tri thức mới của một bộ phận học sinh, sinh viên được nâng cao; giáo dục trung học phổ thông chuyên đạt trình độ cao của khu vực và thế giới, số học sinh phổ thông đạt giải quốc gia và quốc tế ở một số môn học ngày càng tăng. Số đông sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có hoài bão lập thân, lập nghiệp và có tinh thần tự lập, năng động;
Chất lượng đào tạo của một số ngành khoa học cơ bản và khoa học công nghệ đã được nâng cao một bước. Giáo dục đại học đã từng bước vươn lên, đào tạo được một đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học kỹ thuật từ cử nhân, thạc sỹ cho đến tiến sĩ, đã và đang công tác và có những cống hiến quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
4. Công bằng xã hội trong giáo dục
Trong nhiều năm qua, công bằng xã hội trong giáo dục được quan tâm thực hiện, các trường đại học, cao đẳng và các địa phương đã có nhiều biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện học tập cho con em gia đình thuộc diện chính sách, con em đồng bào dân tộc và học sinh nghèo vượt khó.
Nhìn chung, công bằng xã hội trong giáo dục về cơ bản được đảm bảo, giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số có những chuyển biến tích cực. Cả nước đã hoàn thành công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và đang thực hiện phổ cập trung học cơ sở. Gần 94 % dân cư từ 15 tuổi trở lên biết chữ; số năm đi học trung bình đạt 7,3. Về có bản, nước ta đã đạt được sự bình đẳng nam nữ trong giáo dục.
5. Công tác xã hội hoá giáo dục – đào tạo
Hưởng ứng chủ trương xã hội hoá giáo dục, ở hầu hết các địa phương đều đã có phong trào xây dựng quỹ khuyến học, đóng góp công sức tiền của để phát triển giáo dục. Trong những năm gần đây, phần kinh phí do nhân dân đầu tư, trang trải cho các hoạt động giáo dục ước tính khoảng trên dưới 40%. Các nguồn lực thông qua con đường xã hội hóa, cùng với nguồn lực của
Nhà nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự nghiệp giáo dục – đào tạo, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và nhu cầu học tập của các tâng lớp nhân dân.
Trích nguồn tại: https://baocaototnghiep.net/nhung-th...thoi-gian-qua/