Hòa giải trong tố tụng dân sự là trách nhiệm của Tòa án trong giải quyết các vụ án dân sự. Tuy nhiên, không phải tất cả các vụ án dân sự Tòa án đều tiến hành hòa giải. Căn cứ vào tính chất của vụ án dân sự được Tòa án giải quyết thì pháp luật đã quy định: Những vụ án dân sự phải tiến hành hòa giải; những vụ án không được hòa giải và những vụ án không tiến hành hòa giải được.
a/ Những vụ án dân sự phải tiến hành hòa giải trong tố tụng dân sự
Điều 180 BLTTDS quy định: “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án. Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 181 và Điều 182 Bộ luật này”.

Theo quy định của điều luật thì ngoài những vụ án không được hòa giải và những vụ án không tiến hành hòa giải được thì Tòa án phải tiến hành hòa giải tất cả các vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.
Pháp luật đã quy định rõ những vụ án dân sự phải tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, do pháp luật không quy định nên hòa giải đối với việc dân sự thuận tình ly hôn có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau:
+ Có quan điểm căn cứ vào Điều 10 BLTTDS quy định hòa giải bao gồm cả việc dân sự và Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình: “Sau khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”, cho rằng cần tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa sơ thẩm đối với trường hợp thuận tình ly hôn.
Ví dụ, Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt đã thụ lý, giải quyết việc dân sự: Ngày 04/4/2005 Chị Dương Thị Hiền và anh Đặng Văn Hiếu đã viết đơn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt đã thụ lý và triệu tập chị Hiền và anh Hiếu đến Tòa án để tiến hành hòa giải nhưng cả hai đã không thống nhất trở đoàn tụ. Vì vậy, Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt đã lập biên bản hòa giải đoàn tụ không thành và ra quyết định mở phiên họp để giải quyết.[20, tr.41]
+ Có quan điểm cho rằng: Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định Tòa án phải tiến hành hòa giải song việc hòa giải này phải tuân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng ngoài Điều 10 thì BLTTDS không còn có một điều luật nào khác quy định chi tiết thủ tục tiến hành hòa giải việc dân sự.
Mặt khác, việc dân sự là việc không có tranh chấp nên không cần phải tiến hành hòa giải để nhằm cho các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Do đó, Tòa án không cần tiến hành hòa giải.
Từ việc áp dụng pháp luật của một số Tòa án địa phương như trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để đảm bảo việc thực hiện pháp luật được dễ dàng, thống nhất.
b/ Những vụ án dân sự không được hòa giải trong tố tụng dân sự
Pháp luật quy định một số vụ án không được hòa giải tại Điều 181 BLTTDS vì nếu hòa giải sẽ đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho các bên vi phạm pháp luật hoặc việc hòa giải sẽ dễ bị lợi dụng để xâm phạm tài sản công. Những vụ án không được tiến hành hòa giải bao gồm:
– Thứ nhất, yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Tài sản Nhà nước được hiểu là tài sản thuộc hình thức sở hữu Nhà nước quy định tại Điều 200 của Bộ luật dân sự năm 2005 và được điều chỉnh theo các quy định tại Mục 1 Chương XIII của Bộ luật dân sự năm 2005. [4]
Yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản của Nhà nước là trường hợp tài sản của Nhà nước bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật, do hợp đồng vô hiệu, do vi phạm nghĩa vụ dân sự…gây ra và người được giao chủ sở hữu đối với tài sản Nhà nước đó có yêu cầu đòi bồi thường. [4]
Vụ án yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước chỉ có thể giải quyết bằng việc Tòa án mở phiên tòa xét xử. Pháp luật không cho các bên thỏa thuận giải quyết vì tính chất của loại tài sản này thuộc sở hữu Nhà nước, không thể tiến hành hòa giải để quyết định về số lượng hay nội dung giá trị bồi thường. Quy định này nhằm phòng ngừa trường hợp lợi dụng việc hòa giải để thỏa thuận, thương lượng gây thiệt hại, thất thoát tài sản của Nhà nước.
Phần II tiểu mục 2.1 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 đã có những hướng dẫn cụ thể về phạm vi hòa giải đối với vụ án yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước như sau:
+ Trường hợp tài sản của Nhà nước được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang quản lý, sử dụng hoặc đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước do Nhà nước thực hiện quyền sở hữu thông qua cơ quan có thẩm quyền, thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến loại tài sản này, Tòa án không được hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
+ Trường hợp tài sản của Nhà nước được Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, góp vốn trong các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của các chủ sở hữu khác theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà doanh nghiệp được quyền tự chủ chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản và chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với tài sản đó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản đó, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
– Thứ hai, những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Những giao dịch trái pháp luật (giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật) và trái đạo đức xã hội là những giao dịch vô hiệu tuyệt đối được quy định tại Điều 128 Bộ luật dân sự 2005. Về bản chất thì giao dịch vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ ngay từ thời điểm xác lập.
Do vậy, pháp luật quy định Tòa án không tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của họ trong giao dịch vô hiệu này. Bởi nếu tiến hành hòa giải là đồng nghĩa với việc khuyến khích các bên tiếp tục vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu các bên thỏa thuận không phải để thực hiện tiếp giao dịch mà chỉ để giải quyết hậu quả của giao dịch thì Tòa án vẫn tiến hành hòa giải.
Do sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp này là thống nhất phương thức khôi phục lại tình trạng ban đầu của giao dịch dân sự hoặc phương án hoàn trả tài sản. Điều này được hướng dẫn cụ thể trong Phần II tiểu mục 2.1 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 :“Tòa án không được hòa giải vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật (giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật) hoặc trái đạo đức xã hội, nếu việc hòa giải nhằm mục đích để các bên tiếp tục thực hiện giao dịch đó.
Trường hợp các bên chỉ có tranh chấp về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu do trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, thì Tòa án vẫn phải tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu đó”.
c/ Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được
Những vụ án không tiến hành hòa giải được thực chất là những vụ án pháp luật quy định phải tiến hành hòa giải. Tuy nhiên do những lý do khách quan dẫn tới việc pháp luật quy định không cần phải tiến hành hòa giải giữa các đương sự. Theo đó, có ba trường hợp được quy định tại Điều 182 BLTTDS quy định Tòa án không cần tiến hành hòa giải, bao gồm:
– Bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
– Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì lý do chính đáng.
Trong hai trường hợp trên, đương sự được phân biệt thành hai loại: Bị đơn và những đương sự khác. Bị đơn là chủ thể bị động tham gia tố tụng và thường có ý thức trốn tránh. Đối với chủ thể này, chỉ cần có dấu hiệu cố tình vắng mặt không tham gia hòa giải, pháp luật cho phép Tòa án tiếp tục tiến hành giải quyết vụ án mà không cần hòa giải.
Những đương sự khác được pháp luật cho phép không tiến hành hòa giải nếu có lí do chính đáng. Như vậy, việc có lí do chính đáng chỉ đặt ra đối với đương sự không là bị đơn. Quy định này xuất phát từ vị trí tố tụng của mỗi đương sự trong vụ án.
– Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự thì họ không thể thể hiện được ý chí của mình nên Tòa án cũng không tiến hành hòa giải.
Tham khảo thêm các bài viết khác tại:
+ bán hàng cá nhân
+ đào tạo nhân lực
+ báo cáo kế toán vốn bằng tiền